THẮC MẮC VỀ CÁCH TRÌNH BÀY MỘT ĐỀ TÀI NCKH

 

1. Bố cục trình bày 1 đề tài nghiên cứu khoa học. Nên làm bố cục 3 chương hay bố cục 5 chương?

2. Bố cục 3 chương thì có những yêu cầu gì?

3. Bố cục 5 chương thì có những yêu cầu gì?

4. Trích dẫn tài liệu như thế nào? Các trình bày trích dẫn trong đề tài của mình

 
 

Câu trả lời:

 1. Bố cục trình bày một đề tài nghiên cứu khoa học? Nên làm ba chương hay làm năm chương?

Bố cục trình bày 1 đề tài NCKH nên tuân theo kết cấu 3 chương truyền thống hoặc 5 chương, tùy theo tính chất và yêu cầu của đề tài. Có thể trình bày theo bố cục với số chương khác, nhưng vẫn phải đảm bảo những yêu cầu về nội dung của 1 đề tài hoàn chỉnh, bao gồm:

     -  Phần Mở đầu: tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu; tổng quan về tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đề tài; mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu;  phương pháp nghiên cứu, kết cấu của công trình nghiên cứu.

     - Nội dung nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu đạt được (các kết quả nghiên cứu và đánh giá về các kết quả này,  độ tin cậy, ý nghĩa khoa học, hiệu quả kinh tế xã hội, phạm vi áp dụng các kết quả nghiên cứu…)

     - Kết luận và kiến nghị: Nêu rõ các vấn đề đã được giải quyết trong công trình, kiến nghị những lĩnh vực nên ứng dụng kết quả nghiên cứu, những định hướng nghiên cứu trong tương lai.

     - Tài liệu tham khảo và Phụ lục (nếu có)

 2. Những yêu cầu của đề tài bố cục ba chương

Kết cấu của 1 đề tài 3 chương truyền thống thường được trình bày như sau:

     - Chương 1: thường đề cập đến những vấn đề lý luận chung, như:  khái niệm, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, những vấn đề cơ bản của vấn đề nghiên cứu; Khái quát hoá các lý thuyết, học thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu (đối với khoá luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sỹ) …

     - Chương 2: thường dành để phân tích tình hình, thực trạng của vấn đề nghiên cứu, nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm …

     - Chương 3: nêu lên quan điểm, phương hướng, mục tiêu hay dự báo tình hình phát triển và đề xuất các giải pháp, phương pháp giải quyết vấn đề.

 Trong mỗi chương không nên có quá nhiều mục lớn mà nên bố cục khoảng  3 mục.

 

 3. Những yêu cầu của đề tài bố cục năm chương

 

Chương 1: khái quát về nội dung nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu, lịch sử và thực trạng của vấn đề

Chương 2: nghiên cứu khái quát, tổng quan về những nghiên cứu đã đạt đươc trong chủ đề/lĩnh vực này, gồm 2 phần

     - Mô hình lí thuyết của các nhà khoa học trên thế giới

     - Mô hình thực nghiệm đã được áp dụng (trên thế giới và Việt Nam)

Chương 3: phương pháp luận, hệ thống phương pháp nckh – chính là những gì các bạn làm, dựa trên cơ sở của các chương trước để mô tả toàn bộ những gì mình sẽ tiến hành trong đề tài này.

     - Mô tả những gì mình sẽ làm (là trình tự sẽ triển khai trong chương 4)

     - Thu thập số liệu như thế nào (qua các báo cáo, survey,…)

     - Xây dựng mô hình: dựa trên Mô hình kinh tế lượng, hoặc dựa trên việc phân tích case study,…

Chương 4: dựa trên mô tả ở chương 3, sau khi tổng hợp số liệu và chạy các mô hình thì báo cáo kết quả:

     - Sau khi thu thập số liệu và tổng hợp số liệu thì thu được cái gì?

     - Nhận xét đánh giá: mô hình của khác với dự kiến hay không, tại sao như thế, tại sao ở Việt Nam lại khác với dự kiến,… (viết ra, giải thích từng biến)

Chương 5: kết luận, kiến nghị và định hướng nghiên cứu trong tương lai

 4. Những yêu cầu khi trình bày đề tài tham gia nghiên cứu khoa học

     - Ngôn ngữ thể hiện của công trình dự thi là tiếng việt. Công trình nếu viết bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thì nhất thiết phải có 02 bản dịch ra tiếng việt.

     - Công trình dự thi phải được đánh máy và in một mặt trên khổ giấy A4 (210 x 297), Font chữ VnTime (hoặc Times New Roman) cỡ chữ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Microsoft Word hoặc tương đương: mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ; dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines: lề trên 3,0 cm; lề dưới 3,0 cm; lề trái 3,5 cm; lề phải 2 cm, số thứ tự của trang in ở chính giữa trang, phía trên. Yêu cầu đóng bìa mica (không đóng bìa cứng và mạ chữ vàng).

     - Công trình không dài quá 80 trang (không kể phụ lục và tài liệu tham khảo) bao gồm Lời nói đầu, các chương và Kết luận. Ngoài ra công trình có thể có thêm 01 trang tóm tắt nội dung, 01 trang về danh mục từ viết tắt, 01 trang danh mục bảng biểu, các trang mục lục. Các trang này đánh số thứ tự riêng và được đặt trước Lời nói đầu.

     - Các phần, chương, mục, tiểu mục … phải được phân định rõ và đánh số thứ tự một cách thống nhất. Các công thức cần viết rõ ràng và nên dùng các ký hiệu thông dụng. Các ký hiệu hoặc chữ viết tắt không thông dụng phải được chú giải rõ ràng.

     - Các hình vẽ, bảng biểu, hình ảnh, sơ đồ minh hoạ cần đánh số thứ tự kèm theo chú thích và nguồn trích dẫn.

     - Tên các tác giả nước ngoài nêu trong công trình phải viết theo đúng tiếng nước đó.

     - Không gạch dưới các câu trong công trình hoặc trình bày chữ viết một cách đặc biệt. Không viết lời cảm ơn, không ký tên cũng như nêu tên tác giả trong công trình.

Nguồn: KVD