Thư ngỏ
Địa chỉ: Phòng 502 – nhà A9 - ĐHGTVT
Điện thoại: (04) 7664024
Email: ktvtdl@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/bomonKTVTDL/
Trưởng Bộ môn: PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương
Phó trưởng bộ môn: Ths. Hà Thanh Tùng
|
* Lịch sử phát triển bộ môn
Bộ môn Kinh tế vận tải & du lịch có tiền thân là bộ môn Vận tải ô tô, được thành lập năm 1963, là một trong ba bộ môn đầu tiên của khoa Vận tải – Kinh tế, trường Đại học GTVT. Với bề dầy truyền thống trên 50 năm, trải qua các mốc lịch sử cùng nhà trường, bộ môn đã có sự thay đổi tên cho phù hợp với chuyên ngành đào tạo và đòi hỏi của thực tiễn:
- Năm 1963 – 1968: Bộ môn Vận tải ô tô
- Năm 1968 – 1998: Bộ môn Kinh tế vận tải ô tô.
- Từ năm 1999 – nay: Bộ môn KINH TẾ VẬN TẢI & DU LỊCH
Bộ môn xác định phương châm là Chất lượng - Đổi mới - Phát triển sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành về các mặt chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và cộng tác với các đơn vị trong và ngoài trường, các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp về lĩnh vực vận tải, du lịch để luôn gắn kết giữa đào tạo với thực tế sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
* Đội ngũ giảng viên
Bộ môn Kinh tế vận tải & du lịch có sự phát triển như ngày nay một phần là nhờ có sự đóng góp của đội ngũ giảng viên trong vai trò đào tạo, giảng dạy. Trong những năm qua, rất nhiều giảng viên tâm huyết với nghề đã tham gia xây dựng nền móng, tạo cơ sở vững chắc cho bộ môn phát triển.
Đến nay đội ngũ giáo viên cơ hữu của bộ môn gồm 10 giảng viên, trong đó có 02 PGS.TS, 02 TS, 04 nghiên cứu sinh, 04 thạc sĩ ; ngoài ra còn nhiều GS, TS tham gia cộng tác cùng bộ môn trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học.
* Công tác đào tạo
Bộ môn có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư kinh tế thuộc lĩnh vực vận tải ô tô trong suốt quá trình từ khi thành lập đến giai đoạn đầu của những năm 1990 cụ thể là: đã tham gia đào tạo chuyên ngành Vận tải ô tô (khóa 1 – 7), chuyên ngành Kinh tế và tổ chức vận tải ô tô (khóa 8-28); chuyên ngành Kinh tế vận tải ô tô (tại Hà Nội) và Kinh tế vận tải thủy bộ (tại cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh) từ khóa 29.
Trước thực tế đổi mới của đất nước và của ngành Giáo dục đào tạo, chương trình của ngành đào tạo từ 5 năm xuống 4 năm và bắt đầu từ khóa 35 (năm 1994), Bộ môn đã xây dựng chương trình đào tạo với chuyên ngành Kinh tế vận tải du lịch, tiếp theo là từ khóa 37 (năm 1996) chuyên ngành Kinh tế vận tải hàng không đã được tuyển sinh và đến khóa 45 (năm 2004) chuyên ngành Tổ chức quản lý và khai thác cảng hàng không được xây dựng và tổ chức đào tạo.
Với đặc điểm là Bộ môn chuyên ngành, các chuyên ngành do Bộ môn quản lý đã được xây dựng phát triển theo nguyên tắc phối hợp giữa nhu cầu của xã hội và năng lực đảm nhận của nhà trường. Các chuyên ngành đào tạo đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị ngoài trường, các cựu sinh viên và sự phối hợp và hỗ trợ của các Bộ môn trong khoa Vận tải kinh tế. Đến nay Bộ môn quản lý 5 chuyên ngành đào tạo:
- Kinh tế vận tải ô tô
- Kinh tế vận tải và du lịch
- Kinh tế vận tải hàng không
- Kinh tế vận tải thủy bộ
- Khai thác cảng hàng không
Ngoài đào tạo bậc đại học, Bộ môn còn tham gia đào tạo sau đại học: Gồm đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ chuyên ngành Tổ chức và quản lý vận tải.
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển với 52 khóa sinh viên đã tốt nghiệp, Bộ môn đã đào tạo được nhiều kỹ sư, thạc sỹ đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong công tác quản lý và điều hành hoạt động giao thông vận tải của đất nước. Trong đó có những cựu sinh viên đã và đang giữ các cương vị quản lý ở các Cục, Vụ, Viện, các sở GTVT cũng như các Doanh nghiệp.
* Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Bộ môn cũng luôn xác định nghiên cứu khoa học là điều kiện quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như gắn lý thuyết với thực tiễn. Trong suốt chặng đường phát triển các cán bộ, giảng viên của Bộ môn trong các giai đoạn đã tham gia nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, Thành phố, và các cơ quan chủ quản... Các lĩnh vực tham gia nghiên cứu và tổ chức thực hiện trên các mặt như: Nghiên cứu và tư vấn về công tác tổ chức và quản lý hoạt động vận tải cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp; Nghiên cứu và tư vấn về vấn đề giao thông đô thị và vận tải hành khách trong đô thị; Nghiên cứu và tư vấn về công nghệ đối với các dự án phát triển trong lĩnh vực GTVT; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và phổ biến thành tựu mới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT.
Các kết quả nghiên cứu khoa học có thể kể đến hợp phần và nhánh của đề tài NCKH cấp nhà nước KC10-02 (1994), KHCN 10-02 (2000), KC07-28 (2006). Các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và một số đề tài NCKH của sở GTVT Hà Nội, sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, sở GTVT Ninh Bình.
Ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được triển khai thành công như tổ chức, quản lý và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng; các quy hoạch giao thông vận tải cho tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Ngoài ra còn tư vấn và lập các dự án, đề án, quy hoạch cho các dự án cho một số tỉnh như Thanh Hóa, Đăklắc, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp du lịch,…Bộ môn còn tổ chức và tham gia đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong ngành như: Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và điều hành VTHKCC trong thành phố, chuyên đề về chất lượng dịch vụ vận tải, các nghiệp vụ trong lĩnh vực vận tải hàng không, giao nhận hàng hóa.
* Khen thưởng
Nhiều giảng viên đã được phong tặng chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trong nhiều năm liên tục. Một số đồng chí đã được nhận bằng khen và giấy khen của bộ trưởng Bộ GDĐT, của thủ tướng chính phủ, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo như đồng chí: Nguyễn Thanh Chương, Nguyễn Thị Thực, Nguyễn Thị Phương…